image banner

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG THỊ XÃ SÔNG CẦU "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH; TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM; KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" "BIẾT CHÀO HỎI, BIẾT LẮNG NGHE, BIẾT GIẢI THÍCH, BIẾT XIN LỖI, BIẾT CẢM ƠN".

Giới thiệu

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN THỊ XÃ SÔNG CẦU

1. Sông Cầu thời cổ:

Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ học khẳng định Sông Cầu đã có một quá trình hình thành phát triển rất sớm và khá lâu đời, qua các thời kỳ đã có con người cư trú. Các di vật khảo cổ phát hiện ở di chỉ Gò Ốc - xã Xuân Bình và Cồn Đình - xã Xuân Lộc cách đây hàng ngàn năm đã có con người sinh sống. Điều đó cho thấy Sông Cầu là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời. Trên vùng đất này từng tồn tại các tập đoàn dân cư phân bố rộng, có chung một trình độ, một sắc thái văn hoá chung độc đáo: “Văn hoá Sa Huỳnh”.

2. Sông Cầu dưới chế độ phong kiến:

Theo Đại Nam nhất thống chí, quá trình hình thành cộng đồng dân cư trên vùng đất Sông Cầu phải kể từ khi vua Lê Thánh Tông mở đất đến đây và “Triều Nguyễn đời chúa Tiên năm Mậu dần (1578) vua uỷ ông Lương Văn Chánh làm trấn biên quan chiêu tập lưu dân đến vùng Cù Mông, Bà Đài khai khẩn đất hoang…”.

Lưu dân là những người nghèo không sản nghiệp đi khẩn hoang dưới chế độ phong kiến. Do chiến tranh liên miên, do áp bức bóc lột, những người nông dân ở phía Bắc theo chính sách “Ngưu canh điền khí” của chúa Nguyễn, họ đã quần tụ bên nhau trên vùng đất mới. Từ đó trên vùng đất Sông Cầu bắt đầu hình thành những làng xóm. Việc sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản, đánh bắt cá của cư dân ở đây đã có quy mô và ổn định, họ không còn là lưu dân mà đã trở thành người bản địa, đây cũng là điều kiện chín mùi để triều đình phong kiến đặt quan cai trị xây dựng tổ chức bộ máy hành chính.

Năm 1611, Sông Cầu (Phủ Phú Yên) thuộc dinh Quảng Nam. Đến năm 1629 Phú Yên được đôn lên làm dinh Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà; Sông Cầu thuộc huyện Đồng Xuân.

3. Sông Cầu dưới chế độ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hiện nay:

Năm 1885, triều đình Huế phải chịu sự bảo hộ của thực dân Pháp. Năm 1888 tỉnh lỵ Phú Yên đóng ở Vũng Lắm - Sông Cầu. Năm 1899 tỉnh lỵ Phú Yên chuyển về đóng ở thôn Long Bình - Sông Cầu, ngày nay vẫn còn dấu tích thành Long Bình.

Năm 1889, huyện Đồng Xuân có 3 tổng: Xuân Đài, Xuân Bình và Xuân Phong. Hai tổng Xuân Đài và Xuân Bình nằm trên địa bàn Sông Cầu ngày nay. Tổng Xuân Đài có 15 xã, thôn với 975 xuất đinh, tổng Xuân Bình có 20 xã, thôn với 1155 xuất đinh.

Dân số Sông Cầu đến năm 1945 ước chừng 40.000 ngàn người, đa số là người kinh. Đại đa số nhân dân sống bằng nghề nông, đánh bắt hải sản, ngoài làm ruộng và làm biển, nhân dân các vùng ven núi còn sống bằng nghề khai thác lâm sản. Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trước năm 1945 Sông Cầu có một số cơ sở ép dầu dừa, đan lưới, kéo sợi, dệt vải, gạch ngói, làm nước mắm, làm muối… có tay nghề khá cao.

So với các địa phương khác trong tỉnh, Sông Cầu vừa có vị trí địa lý thuận lợi, vừa có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, vừa là nơi được chọn làm tỉnh lỵ đầu tiên của Phú Yên nên Sông Cầu có điều kiện phát triển giao thông từ rất sớm. Ngoài mạng lưới giao thông đường biển, hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh vào thời kỳ này.

Ngày 27/5/1958 nguỵ quyền Sài Gòn cải tổ hành chính bỏ dinh xưng phủ, thị xã, quận. Quận Sông Cầu lúc bấy giờ có 5 xã: Xuân Phương, Xuân Cảnh, Xuân Thọ, Xuân Thịnh, Xuân Lộc.

Để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo cách mạng, năm 1962 Tỉnh uỷ Phú Yên quyết định thành lập huyện Sông Cầu gồm các xã Xuân Phương, Xuân Cảnh, Xuân Thọ, Xuân Thịnh, Xuân Lộc, Xuân Sơn, Xuân Lãnh.

Năm 1963 chuyển xã Xuân Sơn lại cho huyện Đồng Xuân.

Sau giải phóng, cuối năm 1976 Sông Cầu nhập vào huyện Đồng Xuân, tháng 3/1977 nhập huyện Đồng Xuân và huyện Tuy An thành huyện Xuân An, tháng 9/1978 tách huyện Xuân An thành huyện Tuy An và huyện Đồng Xuân, thời kỳ này huyện lỵ của các huyện luôn đóng ở thị trấn Sông Cầu; ngày 27/6/1985 huyện Sông Cầu được tách ra từ huyện Đồng Xuân cho đến ngày nay theo Quyết định số 189/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đở của các sở, ban, ngành ở trong tỉnh và trung ương; Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Cầu đã phát huy truyền thống của địa phương, khai thác tiềm năng thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế - xã hội.

4. Quá trình thành lập thị xã Sông Cầu:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ IX, Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 26/KH-UBND của UBND tỉnh Phú Yên về một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo xây dựng huyện Sông Cầu trở thành Thị xã. Ngày 05/6/2008, Ban chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng Chương trình hành động số 40-CTr/HU cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh, đồng thời UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch số 443/KH-UBND ngày 27/6/2008 về việc tổ chức phát động phong trào thi đua đặc biệt trong toàn huyện tích cực tham gia xây dựng huyện Sông Cầu lên thị xã. Trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đưa huyện Sông Cầu trở thành thị xã như ngày hôm nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ rất lớn của trung ương, tỉnh và sự nổ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Cầu trong việc phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, kết hợp với khai thác các tiềm năng thế mạnh, tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh nhằm mục tiêu xây dựng Sông Cầu trở thành thị xã với cơ cấu kinh tế là đô thị dịch vụ - du lịch - công nghiệp - nông nghiệp mà mũi nhọn là kinh tế biển.

Đến nay, nền kinh tế của huyện có tốc độ tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch - công nghiệp - xây dựng. Cơ cấu GDP: dịch vụ chiếm 47,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,7%, ngư-nông-lâm nghiệp chiếm 32,8%. Kết hợp với việc tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bằng các nguồn vốn của nhà nước, đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các dự án lớn như: dự án khu đô thị mới Lệ Uyên, xã Xuân Phương vốn đầu tư khoảng 540 tỷ đồng, dự án dịch vụ hậu cần nghề cá Sông Cầu vốn đầu tư khoảng 54 tỷ đồng, dự án đầu tư mở rộng khu du lịch Bãi Tràm vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ, dự án khu du lịch Long Hải - Sông Cầu (HOYA - Đại thuận) vốn đầu tư khoảng 3 triệu đô la Mỹ và nhiều dự án lớn khác… sẽ hứa hẹn một tương lai phát triển tốt đẹp của thị xã Sông Cầu. Bên cạnh đó, vịnh Xuân Đài diện với tích khoảng 150km2, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp đang được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển ngành du lịch - dịch vụ trong tương lai. Khu công nghiệp Đông bắc Sông Cầu tỉnh Phú Yên với qui mô 300 ha, trong đó 100 ha đã được đầu tư hoàn chỉnh. Đi đôi với việc phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sông Cầu đang chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển; tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chính sách đối với gia đình có công với nước, hộ nghèo và từng bước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần cho nhân dân. Các nhiệm vụ Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố và giữ vũng ổn định.

Trên cơ sở được đầu tư phát triển toàn diện về nhiều mặt, thị trấn Sông Cầu đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV.

          Từ sự nổ lực phấn đấu và những kết quả nổi bật nêu trên, ngày 27/8/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về việc thành lập thị xã Sông Cầu, thành lập phường thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên trên cơ sở hiện trạng diện tích tự nhiên 489,28 km2, dân số 101.521 người, với 14 đơn vị hành chính, bao gồm: 04 phường và 10 xã (các phường Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Đài và các xã Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2, Xuân Lâm, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hoà, Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Hải). Việc thành lập thị xã Sông Cầu là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, trong tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Phú Yên lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng huyện Sông Cầu lần thứ IX. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại, Đảng bộ và nhân dân Sông Cầu rất vinh dự, phấn khởi và cũng là trách nhiệm hết sức to lớn, nặng nề. Đảng bộ và nhân dân Sông Cầu sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sông biển với những vũng, vịnh xinh đẹp kỳ thú và những rặng dừa thẳng tắp soi bóng biển đông, phấn đấu để xây dựng thị xã văn minh, thân thiện, hiện đại và giàu mạnh, trở thành đô thị loại 3 và thành phố du lịch-dịch vụ vào sau những năm 2020, để cùng với hệ thống đô thị trong tỉnh và khu vực hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

image advertisement
image advertisementimage advertisement

Số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân

Chủ tịch UBND thị xã 0905269127
Trưởng phòng Nội vụ 0939408037
Điện thoại bàn 02573875306
Thanh tra Sở Nội vụ 02573842733
Phòng CCHC Sở Nội vụ 02573842954

Thông tin công chức hướng dẫn thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 4 thủ tục cung cấp thông tin quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng

Họ và tên Dương Tấn Hoàng
Điện thoại di động 0906543839
Mẫu hồ sơ cấp GPXD Tải về
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
      
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1